0 sản phẩm

BỆNH CHÂN MÓNG TRÊN ĐÀN BÒ SỮA VÀ ỨNG DỤNG BIOTIN TRONG ĐIỀU TRỊ

  • Mã sản phẩm: BE3219
  • Tình trạng: 2-3 Ngày
Liên hệ
Giá sau Thuế: Liên hệ

BỆNH CHÂN MÓNG TRÊN ĐÀN BÒ SỮA VÀ ỨNG DỤNG BIOTIN TRONG ĐIỀU TRỊ

Bệnh chân móng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế, năng suất sinh sản, tỷ lệ loại thải đàn và tình trạng phúc lợi của con vật. Nghiên cứu này bao gồm hai thí nghiệm riêng biệt được thực hiện tại huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và thị trấn Nông trường Mộc Châu nhằm đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng đến bệnh chân móng, đồng thời so sánh hiệu quả của hai lô bò thí nghiệm được điều trị bệnh chân móng có và không bổ sung biotin. Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt trên cùng hai chân trước (19,5 và 15,9%) và trên cùng hai chân sau (30,5 và 34,1%) mà chỉ có sự khác biệt giữa hai chân trước và hai chân sau (P<0,05). Tỷ lệ mắc bệnh trên các vị trí khác nhau của móng lần lượt là xuất huyết đế móng (40,1%), nứt trục móng (22,7%), tổn thương đường trắng (20,2%), tổn thương bờ móng (13,1%) và viêm da kẽ móng (3,9%). Ở thí nghiệm tiếp theo, việc bổ sung biotin giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh chân móng ở bò.


BỆNH CHÂN MÓNG TRÊN ĐÀN BÒ SỮA VÀ ỨNG DỤNG BIOTIN TRONG ĐIỀU TRỊ
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
- Bệnh chân móng được xem là một trong ba mối quan tâm hàng đầu trong quản lý sức khỏe của đàn bò sữa ở hầu hết các quốc gia chăn nuôi bò sữa trên thế giới, bên cạnh hai vấn đề khác là bệnh sinh sản và bệnh viêm vú. Tại Anh Quốc, Bethany và ctv (2018) ghi nhận có đến 28,2% bò bị chân móng trong tổng số 14.700 bò điều tra. Trong khi, Adams và ctv (2016) đã ước tính có khoảng 10% đàn bò nước Mỹ mắc bệnh. Tỷ lệ bò mắc bệnh trong một số trang trại ở Malaysia lên đến 19,1% và dao động từ 10,0 đến 33,3% ở mỗi trang trại (Sadiq, 2017).
- Bệnh chân móng gây hậu quả kinh tế lớn cho các trang trại chăn nuôi bò sữa, ước tính mỗi ca mắc bệnh tại các trang trại nước Mỹ lên đến 185-333 đô la (Liang và ctv, 2017). Mặc dù tỷ lệ bò bệnh chết chỉ chiếm 2% (Thomsen và ctv, 2004) nhưng có đến 20% bò bị nặng sẽ bị loại thải và chuyển sang giết mổ (USDA, 2007). Bên cạnh đó, bệnh chân móng còn có mối liên hệ trực tiếp tới quá trình tiết sữa và sinh sản của con vật. Đối với quá trình tiết sữa, các nghiên cứu đều cho thấy rằng, bò sữa chân móng giảm trung bình khoảng 360 kg/chu kỳ 305 ngày (Green và ctv, 2002); nguyên nhân chính là do khi đau chân bò thường giảm vận động và tăng thời gian nằm nên sự tiếp xúc giữa bầu vú với nền chuồng lớn hơn, vi khuẩn dễ xâm nhập vào bầu vú gây viêm vú. Ngoài ra, viêm móng luôn kèm theo giảm năng suất sinh sản, tỉ lệ mang thai trên những bò bệnh giảm xuống 20% và số lần thụ tinh để có chửa tăng 1,2 lần (Huxley, 2013); có thể do những bò đau chân nên gặp khó khăn khi nhảy lên lên lưng con khác, làm giảm hiệu quả phát hiện động dục (Jan và ctv, 2011).
- Tuy nhiên, với quy mô chăn nuôi bò sữa chủ yếu ở mức độ nông hộ hiện nay, chưa có nhiều các nghiên cứu và đánh giá chính xác về thiệt hại của bệnh chân móng trong quản lý đàn bò sữa, nên người chăn nuôi còn chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm để giải quyết căn bệnh này. Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm mục đích đánh giá các đặc điểm phổ biến về bệnh chân móng ở đàn bò sữa và vai trò của bổ sung biotin vào trong khẩu phẩn ăn nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và điều trị bệnh chân móng.
 
2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
  • 2.1. Đối tượng, địa điểm và thời gian
Đàn bò sữa ở mọi lứa tuổi, lứa đẻ của xã Vĩnh Thịnh-Vĩnh Tường và Trung Hà-Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và Trại bò giống trung tâm số 1, công ty giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La), từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2018.
 
  • 2.2. Nội dung và phương pháp
- Thí nghiệm 1: Thực hiện trên 71 bò tại Vĩnh Phúc nhằm mục đích điều tra và đánh giá tỷ lệ các đặc điểm phổ biến của bệnh chân móng.
- Thí nghiệm 2: Đánh giá hiệu quả sử dụng biotin trên 40 bò tại Mộc Châu.
- Phương pháp đánh giá điểm thể trạng: Dựa vào cảm nhận bằng tay và quan sát bằng mắt thường độ tích lũy mỡ ở các gò xương (bony promiences) vùng lưng và vùng chậu, bao gồm: mỏm ngang và mỏm gai của đốt sống lưng, u ngồi (ischial tuberosity) và lồi củ chậu (iliac tuberosity), gốc đuôi (tail head) và vùng hõm hông (thurl region). Thang điểm đánh giá từ 1 đến 5, hai mức điểm liên tiếp cách nhau 0,25.
- Phương pháp xác định mức độ tổn thương của móng: Mức 1: Sung huyết nông rộng, Mức 2: xuất huyết điểm và Mức 3: xuất huyết lan tràn.
- Phương pháp phân loại bệnh ở móng: Việc phân loại và đánh giá tình trạng viêm móng rất quan trọng, các mức độ tổn thương gây ra các mức độ stress và đau với con vật khác nhau, chi phí và các biện pháp điều trị khác nhau (Dolecheck và ctv, 2018).
- Một số bệnh lý về móng ở bò sữa: Xuất huyết đế móng, loét đế móng (hà móng), tổn thương đường trắng, viêm da kẽ móng và tổn thương bờ móng.
- Phương pháp đánh giá điểm di chuyển: Điểm di cuyển của bò được đánh giá theo thang điểm 5 (mức 1 điểm-bình thường; mức 5 điểm-bệnh nặng) theo miêu tả của Sprecher và ctv (1997).
- Phương pháp điều trị: Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, bò được điều trị bằng các phẫu thuật ngoại khoa hoặc kết hợp với kháng sinh và bổ sung khoáng chất và các vitamin A, E, Biotin.
- Phương pháp gọt móng bò với 5 bước cơ bản (John, 2013):
+Bước 1: Cắt móng trong, từ vị trí cách cổ chân 7,5cm, cắt thẳng góc với đế móng. Cắt phần đế móng ở đầu ngón chân, giữ lại 0,5-0,7cm, không cắt phần gót chân.
+Bước 2: Cắt móng ngoài tương tự như móng trong, cắt đế móng để chiều cao hai móng bằng nhau (nếu có thể).
+Bước 3: Cắt vào trong một hình hố lõm, dài 2,5-3cm, từ ngón chân chạy về tận gót chân. Nhằm giữ khoảng không giữa các móng luôn sạch sẽ, thoáng mát (ngăn ngừa viêm da kẽ móng).
+Bước 4: Cắt điều trị: Khi đế móng bị loét, loét thành móng, cần cắt bỏ nhiều hơn. Sử dụng guốc để nâng lên và giúp cân bằng chiều cao giữa móng hỏng và móng khỏe mạnh. Trường hợp móng bị dập, không cắt đế móng quá mỏng.
+Bước 5: Cắt bỏ phần sừng móng lung lay, các chóp cứng ở vùng gót chân. Ở móng trong, chỉ nên loại bỏ các đường nứt ở phần đế móng. Ở móng ngoài, cắt bỏ các phần sừng lung lay và các chóp cứng ở 2/3 cuối bề mặt đế móng. Cuối cùng kiểm tra viêm da kẽ móng ở bàn chân.
- Phương pháp bổ sung biotin: Biotin là một loại vitamin nhóm B, có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của móng và da. Do đó, tiến hành bổ sung biotin với hàm lượng 20g/ngày/bò, trộn vào khẩu phần ăn nhằm đánh giá hiệu quả điều trị viêm móng.
- Phương pháp bố trí thí nghiệm
- Thí nghiệm được chia ngẫu nhiên thành hai lô, mỗi lô gồm 20 bò và được thực hiện trong cùng điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc như nhau.
+Lô 1 (thí nghiệm): Bò sau khi gọt móng, bổ sung biotin, trong thời gian 1 tháng và đánh giá khả năng hồi phục của bò hàng tuần liên tiếp (tuần 1 – 5) dựa vào mức điểm di chuyển thu được.
+Lô 2 (đối chứng): Bò sau khi gọt móng tiến hành chăm sóc bình thường và không bổ sung biotin, tiến hành theo dõi tương tự.
 
  • 2.3. Xử lý số liệu
Số liệu thu thập theo mẫu điều tra ghi chép và xử lý theo phần mềm Excel. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi P<0,05.
 
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
  • 3.1. Viêm móng bò theo vị trí chân
- Qua kiểm tra và phân tích 71 bò bị bệnh chân móng tại hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi có được kết quả thể hiện trong biểu đồ 3.1.
- Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ bò viêm móng bò ở chân sau cao hơn chân trước (19,5; 15,9% so với 30,5; 34,1%), nhưng không có sự chênh lệch lớn giữa chân trái và chân phải (19,5% so với 15,9% và 30,5% so với 34,1%). Tỷ lệ bò viêm móng theo vị trí chân trong nghiên cứu này tương tự với các kết quả đã được công bố trước đây (Solano và ctv, 2016). Nguyên nhân do hai chân sau luôn tiếp xúc với phân, nước tiểu nhiều hơn và chịu lực của cơ thể lớn hơn chân trước. Bên cạnh đó, khi bò đứng dậy lực bật dồn lên hai chân sau rất lớn, nền chuồng kém sẽ cọ xát gây ra các vết thương, khi đó vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào vết thương và gây ra viêm móng.
 
  • 3.2. Kết quả phân lao5i các bệnh về móng
-  Trong nghiên cứu này, chúng tôi thu thập số liệu và phân tích về các bệnh viêm móng phổ biến, nhằm so sánh và đánh giá tỷ lệ mắc bệnh ở từng bộ phận móng (Biểu đồ 3.2).
- Bệnh chân móng xảy ra nhiều nhất là xuất huyết đế móng (40,1%), tiếp theo là nứt trục móng (22,7%), tổn thương đường trắng (20,2%), tổn thương bờ móng (13,1%) và thấp nhất là viêm da kẽ móng (3,9%). Đế móng bị xuất huyết, loét do lớp sừng đế móng bị nứt vỡ, gây ra bởi các chấn thương lặp đi lặp lại hoặc lớp tế bào mầm dưới đế móng bị tổn thương và xảy ra nhiều trong vài tháng sau khi sinh bê. Khi di chuyển trên sàn bê tông thô nhọn lớp sừng giữa đế móng và thành móng bị hỏng, các ngoại vật theo vào trong và gây tổn thương, bầm tím đến đường trắng. Nền chuồng gập ghềnh, thô nhám cũng là nguyên nhân gây tổn thương xuất huyết, loét bờ móng và nứt trục móng. Viêm da kẽ móng liên quan đến một số loài vi khuẩn, nấm và có nguy cơ lây lan giữa các chân, các bò trong đàn. Carter và ctv (2009) cô lập được một số loài Treponema spp từ các chân tổn thương, nhưng không tìm thấy ở nền chuồng.
- Kết quả này tương tự với các nghiên cứu các tác giả đã công bố trước đây (Murray và ctv, 1996).Tỷ lệ viêm da kẽ móng trong các nghiên cứu trên thế giới cao hơn so với nghiên cứu của chúng tôi (40-47%). Tuy nhiên, bệnh đế móng ở nước ta lại cao hơn so với các kết quả nghiên cứu trên thế giới (Thomas và ctv, 2002) do các bò chăn nuôi trong các trang trại ở Việt Nam chưa có thói quen gọt và sửa móng định kỳ.
 
  • 3.3. Kết quả điều trị các bệnh chân móng
- Ở nhóm bò thí nghiệm, điểm di chuyển trung bình giảm mạnh hơn so với nhóm bò đối chứng (2,63±1,01 so với 2,9±1,21); mặc dù tại thời điểm bắt đầu điều trị, điểm trung bình ở nhóm thí nghiệm cao hơn (4,25±0,55 so với 3,8±0,83).
- Kết quả thu được từ nghiên cứu này phù hợp với nhiều nghiên cứu đã thực hiện trước đây, khi các tác giả đều nhận thấy rằng Biotin đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy sự khoẻ mạnh của chân móng, cũng như đẩy nhanh tốc độ hồi phục của các tổn thương ở vùng này (Bergsten, 2003; Pötzsch và ctv, 2003). Lischer và ctv (2002), cho biết biotin giúp các vết loét ở đế móng nhanh liền hơn do lớp biểu bì và lớp sừng phát triển mạnh mẽ, khi bổ sung vào khẩu phần ăn của các bò điều trị bệnh xuất huyết đế móng.
 
4. KẾT LUẬN
- Tỷ lệ mắc bệnh móng giữa chân trái và chân phải tương tương nhau, nhưng viêm móng xảy ra ở chân sau nhiều hơn chân trước.Bò mắc bệnh chủ yếu ở phần đế móng (40,1%) và mắc bệnh ở phần da kẽ móng 3,9%.
- Bò sau khi gọt móng bổ sung biotin phục hồi nhanh hơn không bổ sung Biotin.
- Định kỳ cần gọt và sửa móng hai lần/năm, đồng thời bổ sung Biotin vào thức ăn cho bò.

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.

Viết đánh giá

Chú ý: Không sử dụng các định dạng HTML!
    Chưa tốt           Tốt